Như vậy, tính từ đầu tháng 4/2021 đến nay, thị trường thép xây dựng đã có 4 lần tăng giá liên tiếp. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, so với đầu tháng 12/2020 đây là vùng giá cao nhất trong 5 năm qua.
GIÁ THÉP TĂNG "NÓNG"
Theo báo giá công bố ngày 12/4 của các doanh nghiệp lớn, giá thép xây dựng đang dao động ở mức 15,580 – 16,600 triệu đồng/tấn.
Cụ thể: Tại miền Bắc, thép Hòa Phát ghi nhận giá tăng mạnh lên mức 15.580 đồng/kg với thép cuộn CB240. Giá thép D10 CB300 cũng đã chạm mức 15.780 đồng/kg. Với thép Việt Ý, mức giá với thép cuộn CB240 đang ở mức 15.740 đồng/kg, trong khi đó thép D10 CB300 tăng nhẹ lên mức 15.690 đồng/kg.
Thương hiệu thép Việt Đức hiện mức giá thép cuộn CB240 15.690 đồng/kg và D10 CB300 là 15.720 đồng/kg. Thương hiệu Kyoei, giá thép cuộn CB240 và D10 CB300 có sự tăng mạnh đang ở mức giá lần lượt là 15.690 đồng/kg và 15.790 đồng/kg.
Tại miền Trung, giá thép của Hòa Phát đang mức 16.110 đồng/kg đối với thép cuộn CB240, và 15.860 đồng/kg đối với thép D10 CB300, tăng 300 đồng/kg. Giá thép của thương hiệu Việt Đức cũng đang ở mức 15.690 đồng/kg đối với thép cuộn CB240, và 15.720 đồng/kg đối với thép D10 CB300. Còn giá thép Pomina hiện chạm mức 16.090 đồng/kg đối với thép cuộn CB240, 16.240 đồng/kg đối với thép D10 CB300.
Tại miền Nam, thép Hòa Phát ghi nhận mức giá thép cuộn CB240 là 15.790 đồng/kg. Giá thép D10 CB300 có đã tăng nhẹ lên mức 15.840 đồng/kg. Thương hiệu Pomina tăng mạnh về giá, với thép cuộn CB240 và thép D10 CB300 đã tăng mạnh lên mức 16.090 đồng/kg và 16.190 đồng/kg.
Thép miền Nam hiện giá cụ thể với thép cuộn CB240 đang ở mức 15.890 đồng/kg. Thép D10 CB 300 đã giảm nhẹ với ngày hôm qua lên mức 15.790 đồng/kg. Thép Tung Ho giá thép ghi nhận mức giá với thép cuộn CB240 hiện đang ở mức 15.890 đồng/kg và thép D10 CB300 là 15.640 đồng/kg. Thép Vina Kyoei với thép cuộn CB240 và thép D10 CB300 hiện giá lần lượt là 16.440 đồng/kg và 16.600 đồng/kg.
Theo Hiệp hội thép Việt Nam, giá thép tăng cao là do giá các nguyên vật liệu sản xuất thép tăng cao đột biến trên thị trường toàn cầu. Cụ thể, giá quặng sắt tính đến đầu tháng 3/2021 ghi nhận mức trên 170 USD/tấn, tăng 55% so với cuối năm 2020 và gấp đôi cùng kỳ năm trước; Giá thép cuộn cán nóng (HRC) ghi nhận 660 USD/tấn, giảm 6% so với cuối năm và tăng 44% so cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, việc thiếu hụt nguồn cung thép và thời gian giao hàng kéo dài ở châu Âu, Mỹ cũng là lý do khiến giá thép tăng mạnh. Nhu cầu thép tại Trung Quốc tăng cao sau dịch bệnh trước đà phục hồi kinh tế và các biện pháp kích thích kinh tế như đầu tư cơ sở hạ tầng. Năm 2020, nước này đã nhập 38,56 triệu tấn thép, tăng 150% so với năm trước.
Theo dự báo của Viện Nghiên cứu và Quy hoạch Công nghiệp Luyện kim Trung Quốc, khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi sau dịch Covid-19, nhu cầu thép quốc tế tăng gần 5%, tương ứng 1,83 tỷ tấn vào năm 2021; riêng Trung Quốc là 991 triệu tấn, tăng 1%.
CHU KỲ TĂNG GIÁ CÒN TIẾP DIỄN TRONG CUỐI NĂM 2021?
Các chuyên gia ngành thép dự báo nhu cầu thép năm 2021 sẽ tăng từ 3 - 5% so với năm 2020. Động lực tăng đến từ các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn đang được triển khai như cao tốc Bắc - Nam; cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ; sân bay quốc tế Long Thành; thị trường bất động sản, nhà ở được dự báo sẽ "nóng" trở lại trong năm nay.
Hơn nữa, một số hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực... được thực thi kỳ vọng có thêm thị trường xuất khẩu mới. Nhu cầu tăng trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm sẽ càng đẩy giá thép tăng cao thời gian tới.
Trong báo cáo mới đây, CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam, cho biết giá thép trong đà tăng mạnh kể từ đầu năm 2021. Trong khi giá thép dài về lại mức đỉnh năm 2018 thì giá thép dẹt, đại diện bởi thép cuộn cán nóng đã vượt đỉnh 10 năm, đặc biệt là giá tại Mỹ và EU.
"Chu kỳ tăng giá thép sẽ còn tiếp diễn đến nửa cuối năm 2021 nhờ vào những diễn biến đang diễn ra tại các thị trường lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và EU. Điều này sẽ có ảnh hưởng tích cực đến triển vọng ngành thép toàn cầu nhờ giá bán tăng cao sẽ cải thiện lợi nhuận của các doanh nghiệp", CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam nhận định.
Theo đó, ngành thép Việt Nam được hưởng lợi từ giá bán tăng, nhất là thép cuộn cán nóng, và nhu cầu từ thị trường xuất khẩu lớn khi Trung Quốc cắt giảm sản lượng.
Theo báo cáo từ Bộ Công Thương, trong quý 1/2021 xuất khẩu sắt và thép Việt Nam đạt 1,826 tỷ USD, tăng mạnh 65,2% (tương đương 720 triệu USD) so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số đó, xuất khẩu sắt và thép thô, cũng như thép cuộn tăng 14,4% và 54% trong khi thép hình giảm 1,6%.
Theo Cafef
Copyrights © 2023 All Rights Reserved. Powered by WEBHPJSC.